Cách bày mâm ngũ quả ngày Tết theo phong tục ba miền


Gọi là mâm ngũ quả vì theo phong tục sẽ có 5 loại quả chính trên mâm dĩa chưng Tết. 5 loại trái cây khác nhau, tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ, thông qua tên gọi và màu sắc của mỗi loại. Mặt khác, “ngũ” còn thể hiện ước muốn đạt được ngũ phúc lâm môn: Phúc, quý, thọ, khang, ninh hay Ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ trong văn hóa của người phương Đông, vạn vật dung hòa cùng trời đất. Cùng khám phá xem mỗi miền sẽ có những sự khác biệt gì trong cách chọn và bày trí mâm ngũ quả ngày Tết nhé!
Xem thêm: Cách bày mâm cỗ ngày Tết của miền Bắc

Cách bày mâm ngũ quả ngày tết miền Bắc?

Mâm ngũ quả Tết miền Bắc thường gồm các loại trái cây sau: chuối, dưa hấu (màu xanh của mộc); bưởi, phật thủ, cam, quýt hoặc quất (màu vàng của thổ); hồng, ớt hoặc táo tây (màu đỏ của hỏa); đào hoặc lê (màu trắng của kim); mận hoặc nho (màu đen của thủy), thể hiện sự dung hòa của trời đất ngũ hành. Cách bày biện thường là nải chuối được đặt ở dưới cùng, trên nải chuối để quả bưởi ở giữa và xung quanh xếp xen kẽ các loại trái cây khác.
Trong mâm ngũ quả miền Bắc, chuối hay phật thủ thể hiện sự che chở của trời đất thiên nhiên cho con người và gia đình sum vầy, đầm ấm, quây quần bên nhau. Ớt, táo tây thể hiện sự may mắn; cam, quýt, quất, hồng thể hiện tài lộc, phú quý còn quả lê, đào tượng trưng cho sự thăng tiến, thành đạt.

Những loại trái cây nào có trong mâm ngũ quả ngày tết ở miền Trung?

Mảnh đất miền Trung là nơi giao thoa văn hóa 2 miền Bắc Nam, lại có nhiều nắng và gió, khí hậu thời tiết khắc nghiệt hơn, nên họ cũng không quá câu nệ khi bài trí mâm ngũ quả và thường sử dụng các loại trái cây có sẵn tại địa phương, miễn sao đảm bảo tươi ngon và quan trọng là tấm lòng thành kính dâng lên ông bà tổ tiên mà thôi. Mâm ngũ quả miền Trung thì có điểm đơn giản hơn so với mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc và miền Nam khi mà họ hầu như không kiêng kỵ loại quả nào, kể cả về hương vị, màu sắc lẫn tên gọi.
Tại các tỉnh miền Trung, mâm ngũ quả thường bao gồm thanh long, dưa hấu, xoài, bưởi, nho, táo, cam, lê, mãng cầu, dứa, chuối xanh,… khéo léo điểm thêm những bông cúc vàng xung quanh và đặt thêm hai quả dưa hấu hai bên, tạo dáng cho mâm ngũ quả như hình tháp, thêm phần vững chắc. Với cách bài trí đơn giản, không quá cầu kỳ, qua đó cũng thể hiện phần nào tính cách chân chất của người dân nơi đây.

Sung túc với cách bày mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam

Trong khi đó, với đa dạng các loại trái cây của vùng nhiệt đới, mâm ngũ quả miền Nam có sự khác biệt so với miền Bắc và Trung. Người miền Nam thường lựa chọn 5 loại quả tiêu biểu: mãng cầu, dừa, đu đủ, quả sung và xoài theo câu “cầu sung vừa đủ xài”, y hệt như tính cách phóng khoáng của họ với mong ước cuộc sống luôn đầy đủ, sung túc, bình an. Ngoài ra, còn bày thêm 3 trái thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy đàn và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu mong may mắn.
Một điểm khác biệt nữa phải kể đến là người miền Nam thường kiêng một số loại trái không bày trên mâm cúng do tên gọi của chúng, như chuối đọc gần giống “chúi” làm ăn không phát lên được; táo đọc là bom khiến công việc đổ bể, làm ăn thất bại; hoặc lê thì được quan niệm là lê lết, cam hiểu theo nghĩa cam chịu,…
Tuy mâm ngũ quả mỗi miền có khác nhau nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính hướng về nguồn cội, tổ tiên và ước mong một năm mới hạnh phúc, đủ đầy.


Liên hệ học nấu ăn chuyên nghiệp:
Điện thoại: 0962.523.447 (Cô Hương)
Địa chỉ: Số 2, 181 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Previous
Next Post »

Thanks for your comment