Phòng tránh bệnh mùa hè

    Mùa hè là thời điểm thời tiết hanh khô, thường xuyên xuất hiện những cơn mưa rào tạo điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh phát triển và bùng phát mạnh mẽ. Các bệnh mùa hè thường gặp chủ yếu là bệnh tiêu chảy, bệnh thủy đậu, bệnh sốt xuất huyết... 

Các bệnh dễ mắc mùa hè
Phòng tránh bệnh mùa hè

Sốt xuất huyết

    Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
    Triệu chứng thường gặp ở bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt, nổi mẩn, phát ban. Nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng, tụt huyết áp, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
    Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.
    Để phòng và tránh bệnh Sốt xuất huyết, hãy thực hiện diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để ngăn không cho muỗi vào đẻ trứng. Hàng tuần loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Thực hiện ngủ màn phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Bệnh tay chân miệng

    Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm virus từ dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, lợi, lưỡi, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông.
    Căn bệnh này chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, thường là ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Phụ nữ mang thai cần phòng tránh bệnh, không nên tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh bởi có khả năng lây nhiễm và truyền virus sang cho con ngay trước hoặc trong khi sinh. Điều đáng lưu ý là một người có thể nhiễm bệnh tay chân miệng nhiều lần do mỗi lần nhiễm bệnh, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại virus nhất định.
    Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng. Người bệnh nên uống nhiều nước và có thể dùng thuốc để điều trị triệu chứng như hạ sốt hay giảm đau do các vết loét.

Bệnh tiêu chảy

    Tiêu chảy là bệnh đường tiêu hóa thường gặp nhất. Đối với người trưởng thành, bệnh tương đối ít nghiêm trọng khi họ có thể tự uống bù nước và điện giải. Tuy nhiên, khi tiêu chảy xảy ra ở trẻ nhỏ, bệnh sẽ trầm trọng hơn nếu người lớn không cho trẻ uống thêm nước hoặc trẻ không thể uống (do ói, hôn mê).
    Tiêu chảy là tình trạng đi cầu phân lỏng với lượng nhiều và số lần đi cầu nhiều hơn so với bình thường. Tùy vào thời gian kéo dài, có ba loại tiêu chảy chính:
- Tiêu chảy cấp tính kéo dài trong một vài ngày đến một tuần.
- Tiêu chảy bán cấp kéo dài khoảng 3 tuần.
- Tiêu chảy mạn tính kéo dài hơn 4 tuần.
    Nguyên nhân chủ yếu gây tiêu chảy bao gồm vi khuẩn và ký sinh trùng, vi rút, các chứng rối loạn tiêu hóa hoặc thói quen ăn uống.

Bệnh viêm não Nhật Bản


    Viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm virus cấp tính. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng được tiêm chủng trước dây và có thể bị nhiễm virus khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh.
    Bệnh VNNB không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm virus (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người.
    Bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc ly bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10%-20%.
    Cục Y tế dự phòng cho biết bệnh VNNB đã có vắc xin phòng bệnh nên việc tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả và khả thi nhất.

Bệnh cúm

    Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính đường hô hấp do virus influenza gây nên. Tuy trong đa số trường hợp, bệnh chỉ khu trú ở đường hô hấp trên với tiến triển lành tính, nhưng có thể gây tử vong khi có biến chứng. Chúng thường gây nên những vụ dịch, thậm chí đại dịch, do đó số người tử vong vì cúm rất đáng kể.

Bệnh đau mắt đỏ

    Bệnh đau mắt đỏ là bệnh cấp tính, triệu chứng thường dễ phát hiện, dễ lây nhưng lành tính và ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và lao động. Trên thực tế đã có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực về sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Liên hệ học nấu ăn chuyên nghiệp:
Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội – Cao đẳng Nấu ăn Hà Nội (công lập)
Điện thoại: 0962.523.447 (Cô Hương)
Địa chỉ: Số 2, 181 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội
Previous
Next Post »

Thanks for your comment