Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2020: Dễ tốt nghiệp, khó tuyển sinh

Chiều 7-5, Bộ GD-ĐT công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đề thi này dựa trên chương trình tinh giản mà bộ đã công bố trước đó và chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, được đánh giá dễ hơn đề minh họa do Bộ GD-ĐT công bố vào tháng 4-2020 và đề thi chính thức năm 2019.
Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2020: Dễ tốt nghiệp, khó tuyển sinh
Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2020: Dễ tốt nghiệp, khó tuyển sinh

LỊCH SỬ: Trên 90% nội dung ở học kỳ I lớp 12

Cô Ngô Thị Thành (phó hiệu trưởng, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội): Nội dung câu hỏi của đề thi tham khảo môn lịch sử bám sát hướng dẫn tinh giản chương trình của Bộ GD-ĐT đã công bố. Có trên 90% nội dung đề thi nằm ở chương trình lớp 12 và đa số trong các bài đã được học ở học kỳ I của lớp 12.
Cấu trúc ma trận đề đảm bảo ở các mức độ tái hiện, thông hiểu và vận dụng một phần những kiến thức cơ bản đã được học. Như vậy nếu học sinh học chắc kiến thức cơ bản, chủ yếu là ở học kỳ I lớp 12 thì có thể đạt mức điểm từ 6 - 8, đảm bảo yêu cầu xét tốt nghiệp.
Trong đề thi tham khảo này có khoảng 8/40 câu hỏi có tính phân hóa. Tỉ lệ này không nhiều so với đề thi tham khảo và đề thi chính thức của kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Nhưng đối với những thí sinh sử dụng điểm thành phần môn lịch sử để xét tuyển ĐH, CĐ thì tỉ lệ câu hỏi phân hóa này vẫn đảm bảo mục tiêu sàng lọc.

HÓA HỌC: Học sinh khá sẽ làm được 10 điểm

Thầy Phan Trọng Quý (giáo viên môn hóa Trường trung học Thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM): Đề tham khảo môn hóa vừa công bố dễ hơn đề thi THPT quốc gia năm 2019. Tuy nhiên, đề vẫn có những câu hỏi thuộc dạng vận dụng để phân hóa thí sinh dù yêu cầu vận dụng không cao. Số lượng câu hỏi dạng vận dụng cũng không nhiều, khoảng 5/40 câu.
Với đề thi này, học sinh khá cũng sẽ làm được 10 điểm nếu cẩn thận. Nếu kết quả thi được dùng cho tuyển sinh ĐH sẽ rất thuận lợi cho các trường tốp giữa và tốp dưới. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn cho các trường ĐH tốp trên vì số thí sinh đạt điểm 10 sẽ không ít.

ĐỊA: Tra cứu Atlas đạt 3 - 4 điểm

Cô Dương Thị Viển (giáo viên địa lý Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội): Đề thi rất dễ và chủ yếu nằm trong nội dung cơ bản của học kỳ I lớp 12. Học sinh chỉ cần chăm chỉ là có thể đạt điểm tốt, vì hầu như ít câu hỏi khiến học sinh phải "động não" nhiều. Trong đề thi này, có ít nhất 3 - 4 điểm chỉ yêu cầu tra cứu Atlat địa lý và vẽ biểu đồ. Trong đó chỉ cần đọc câu hỏi kỹ, mở Atlat ghi lại nội dung được yêu cầu đã đạt 3 điểm.
Vì thế, xét ở mục tiêu công nhận tốt nghiệp THPT, đề thi này cũng đã rất dễ. Còn so với mục tiêu sử dụng kết quả để tuyển sinh ĐH, CĐ thì đề này càng dễ hơn. Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh với tổ hợp có môn địa lý sẽ gặp khó khăn hơn khi phải sàng lọc để tuyển chọn đủ chỉ tiêu.

TOÁN: Học sinh đại trà có thể đạt 7 - 8 điểm

Thầy Lê Văn Cường (giáo viên toán Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội): Đề toán dễ hơn nhiều so với đề minh họa trước, có thể học sinh chỉ làm trong thời gian ngắn (không dùng hết 90 phút). Đề thi phù hợp với thi tốt nghiệp THPT, cũng có phân hóa điểm 8, 9, 10.
Đề thi có 5 câu thuộc chương trình lớp 11 (trong đó có 1 câu tổ hợp, 1 câu về cấp số, 1 câu về xác suất, 1 câu về tính góc, 1 câu tính khoảng cách), còn lại thuộc chương trình lớp 12. Phần lớp 12 theo đúng tinh thần giảm tải của Bộ GD-ĐT. Đề có khoảng 80% câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu; 10% ở mức độ vận dụng, 10% ở mức độ vận dụng cao. Học sinh đại trà sẽ đạt điểm 7, điểm 8. Số học sinh đạt điểm 9, điểm 10 sẽ nhiều hơn các năm trước.
Đề thi này phù hợp để xét tốt nghiệp THPT. Nhưng với mục tiêu sử dụng kết quả để tuyển sinh thì các trường ĐH có mức độ cạnh tranh cao sẽ khó khăn trong việc sàng lọc để chọn học sinh thực sự có trình độ tốt.

VẬT LÝ: Tỉ lệ câu hỏi phân hóa rất ít

Thầy Phạm Trường Nghiêm (giáo viên vật lý Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội): Trong số 40 câu thì có 36 câu thuộc nội dung kiến thức lớp 12, chỉ có 4 câu trong chương trình lớp 11. Phần lớn nội dung đề thi tham khảo lần này ở mức căn bản và tuân thủ yêu cầu tinh giản của Bộ GD-ĐT.
Cả đề thi chỉ có khoảng 4 câu hỏi vận dụng cao, đều nằm trong kiến thức chương trình học kỳ I lớp 12. Như vậy, học sinh có mức độ tiếp thu trung bình, chỉ cần chăm chỉ ôn tập cũng có thể đạt điểm 7 - 8. Nếu xét ở mục tiêu tốt nghiệp THPT thì đề thi này vừa sức, giúp học sinh giảm áp lực. Nhưng các trường ĐH tốp trên sẽ gặp khó khăn hơn nếu sử dụng kết quả này để tuyển sinh.

GIÁO DỤC CÔNG DÂN: Phù hợp thi tốt nghiệp

Cô Võ Thị Hậu (tổ trưởng tổ GDCD, Trường THPT Marie Curie, TP.HCM): Đề tham khảo môn giáo dục công dân rất vừa sức với thí sinh, mức độ các câu hỏi cũng phù hợp với một kỳ thi tốt nghiệp THPT. Về nội dung, đề thi bám sát kiến thức trọng tâm, cơ bản, nội dung câu hỏi rải từ học kỳ I đến học kỳ II của lớp 12.

TIẾNG ANH: Bám sát chương trình

Thầy Lê Công Anh (tổ trưởng tổ Anh văn, Trường THPT Nguyễn Thái Bình, TP.HCM): Đề tiếng Anh có cấu trúc giống như đề thi "2 trong 1" của năm trước. Tuy nhiên, phần từ vựng và ngữ pháp tương đối dễ và bám sát chương trình. Đa số các câu hỏi trong phần này thuộc kiến thức lớp 12, có một số ít câu hỏi thuộc kiến thức lớp 11.
Về phần đọc - hiểu, cả 3 bài đọc - hiểu đều có chủ đề rất hay, thời sự và gần gũi với cuộc sống của học sinh như: COVID-19, việc sử dụng điện thoại, tái chế. Tôi rất mong đề chính thức cũng sẽ ra những chủ đề gần gũi như thế này, vừa tạo cảm hứng làm bài cho học sinh vừa mang tính giáo dục cao.

SINH: Mức độ khó giảm

Cô Dương Thị Kim Loan (tổ trưởng tổ sinh, Trường THPT Tân Bình, TP.HCM): Đề tham khảo môn sinh rất phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Nội dung đề thi bám sát chương trình cơ bản và phần tinh giản chương trình của Bộ GD-ĐT. Các câu hỏi trong đề thi có khoảng 10% thuộc kiến thức lớp 11, 90% thuộc kiến thức lớp 12. Trong đó phần bài tập phân hóa thí sinh có khoảng 12 câu.
Tuy nhiên, mức độ khó giảm đi so với mọi năm thi THPT quốc gia. Với đề thi này, nếu học sinh học nghiêm túc, không học lệch có thể đạt 5 - 6 điểm cho việc xét tốt nghiệp; học sinh khá cũng sẽ dễ dàng đạt 7 - 8 điểm.

NGỮ VĂN: Phân hóa ở mức vừa phải

Cô Lưu Thị Thu Hà (giáo viên ngữ văn Trường THPT Việt Đức, Hà Nội - ảnh): Đề thi tham khảo lần này có mức độ nhẹ hơn đề thi tham khảo công bố lần 1 của năm nay và dễ hơn đề thi năm 2019, bám sát nội dung chương trình đã tinh giản của Bộ GD-ĐT. Hướng ra đề như thế này phù hợp với mục đích xét tốt nghiệp THPT. Dĩ nhiên đề vẫn có câu hỏi phân hóa, nhằm mục tiêu sàng lọc, sử dụng kết quả tuyển sinh ĐH. Nhưng các câu hỏi phân hóa cũng ở mức "vừa phải", không đánh đố, không đưa kiến thức nâng cao mà hoàn toàn nằm trong nội dung kiến thức cơ bản. Với đề thi ngữ văn như thế này, số điểm 8 trở lên sẽ nhiều hơn các năm trước.

Liên hệ học nấu ăn chuyên nghiệp:
Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội – Cao đẳng Nấu ăn Hà Nội (công lập)
Điện thoại: 0962.523.447 (Cô Hương)
Địa chỉ: Số 2, 181 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội

Previous
Next Post »

Thanks for your comment