Ẩm thực là một lĩnh vực đặc biệt mà ở đó, người phục vụ thực khách tỉ mỉ hoàn thiện từ những giá trị nhỏ nhất để cho ra đời các món ăn chất lượng, hấp dẫn và hàm chứa nhiều tâm sức, say mê. Tình yêu ẩm thực không chỉ gói gọn nằm riêng nơi đầu bếp, mà còn luôn hiện hữu ở bất cứ ai làm việc trong lĩnh vực nhà hàng – nơi mang đến trải nghiệm ẩm thực cao cấp nhất dành cho người yêu thích ăn uống.
Nhà hàng ẩm thực cao cấp tuyển dụng những vị trí nào? |
Nhân viên tiếp thực – Busboy/ Food Runner
Busboy/ Food Runner là bộ phận có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự đánh giá chất lượng của thực khách đối với nhà hàng. Một nhân viên tiếp thực phải đảm nhận các công việc bao gồm: mang đồ ăn từ bếp ra khu vực hậu cần nhà hàng cho nhân viên phục vụ khách, thu dọn và làm sạch đồ ăn thừa có trên các ly/ đĩa thức ăn/ thức uống mà khách đã dùng từ khu vực hậu cần, hỗ trợ nhân viên phục vụ khách trong suốt bữa ăn. Bên cạnh công việc chính của mình, nhân viên tiếp thực còn phối hợp với bộ phận khác nhằm giúp thực khách hài lòng khi trải nghiệm ẩm thực tại nhà hàng, khách sạn.
Nhân viên phục vụ bàn – Waiter/ Waitress
Nhân viên phục vụ bàn là bộ phận chuyên trách chuẩn bị khu vực làm việc cho hoạt động của nhà hàng như phụ trách chuẩn bị bàn ăn theo các tiêu chuẩn của nhà hàng, đón khách từ lễ tân, ghi món, tư vấn đồ ăn thức uống hay thực hiện quá trình thanh toán, chào khách, dọn bàn… Nhân viên phục vụ bàn đóng vai trò quan trọng trong việc chinh phục sự hài lòng của khách hàng thông qua tác phong, tính chuyên nghiệp của nhà hàng.
Trưởng ca – Shift leader
Ở một số mô hình thì Trưởng ca còn được gọi là Captian. Trưởng ca ví như người thuyền trưởng của một con thuyền nhỏ trong hoạt động nhà hàng. Vị trí này có nhiệm vụ quản lý nhóm nhân viên phục vụ trong một khu vực được phân công và theo dõi chấm công, kiểm tra, giám sát thái độ làm việc của nhân viên hoặc hướng dẫn, đào tạo trực tiếp và kiểm tra nghiệp vụ các nhân viên phục vụ. Ngoài ra, Trưởng ca còn tham gia trực tiếp vào hoạt động phục vụ khách hàng khi cần như giải quyết khiếu nại, thắc mắc của khách hàng và nhân viên trong khả năng xử lý và Hướng dẫn nhân viên mới, lập báo cáo với Quản lý Nhà hàng.
Giám sát – Supervisor
Giám sát nhà hàng là người thường xuyên phân công, phân nhiệm, bố trí việc làm cho nhân viên, theo dõi công ca thường nhật, hạn chế các hành vi thiếu trách nhiệm… hay hực hiện các công việc về quản lý, kiểm kê tài sản, công cụ dụng cụ và trang thiết bị. Bên cạnh đó, vị trí này còn đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng khác như tư vấn và dự trù việc mua sắm tài sản, giám sát tình hình chấp hành quy chế, điều lệ nhân viên, đề xuất tuyển dụng nhân viên và quản lý tình hình tiêu thụ hàng hóa hằng ngày nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Trợ lý Quản lý Nhà hàng – Assistant Restaurant Manager
Trợ lý Quản lý Nhà hàng là người đóng vai trò rất quan trọng trong bộ máy hoạt động Nhà hàng. Vị trí này sẽ thay mặt Quản lý giám sát, điều hành các hoạt động của nhà hàng khi Quản lý vắng mặt, thực hiện các công việc theo phân công của Quản lý Nhà hàng, kiểm tra tiêu chuẩn ra món, chất lượng phục vụ và xây dựng chương trình huấn luyện cũng như lên lịch làm việc cho nhân viên phục vụ.
Quản lý Nhà hàng – Restaurant Manager
Một Quản lý Nhà hàng sẽ chịu trách nhiệm về tổ chức, quản lý công việc, nhân sự trong khu vực phụ trách của mình, có thể là các loại hình Nhà hàng, Bar, Lounge, tầng… Đây là vị trí giúp đảm bảo mục đích tài chính như doanh thu, chi phí, lợi nhuận của nhà hàng và đảm bảo công việc trôi chảy để kết hợp với Bếp trưởng nhằm xây dựng, cập nhật những thực đơn mới.
Trợ lý Quản lý Bộ phận Ẩm thực – Assistant F&B Manager
Trợ lý Quản lý Bộ phận Ẩm thực là người thực hiện các công việc khi cấp trên Quản lý Bộ phận Ẩm thực vắng mặt như hỗ trợ tuyển dụng và điều phối hoạt động và vận hành của toàn bộ Bộ phận Ẩm thực, đào tạo và đề bạt nhân viên trong bộ phận.
Quản lý Bộ phận Ẩm thực – F&B Manager
Quản lý Bộ phận Ẩm thực là vị trí cao, chỉ đứng sau Giám đốc khối Dịch vụ Ẩm thực trong tháp lộ trình nghề nghiệp. Họ là người chịu trách nhiệm thực hiện các công việc theo chỉ đạo của Giám đốc khối Dịch vụ Ẩm thực để đảm bảo mục đích tài chính của Bộ phận Ẩm thực.
Vị trí này còn kết hợp với Bếp trưởng Điều hành trong việc thiết kế và xây dựng các thực đơn khác nhau trong những dịp lễ đặc biệt, điều phối hoạt động của toàn bộ Bộ phận Ẩm thực và tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện nhân viên trong bộ phận. Trên lộ trình nghề nghiệp, Quản lý Bộ phận Ẩm là vị trí hấp dẫn mà mọi nhân viên luôn phấn đấu đạt được.
Giám đốc Khối Dịch vụ Ẩm thực – Director of F&B
Director of F&B là vị trí cao nhất trong tháp lộ trình ngành Nhà hàng, đòi hỏi nhân sự phải có kiến thức và nghiệp vụ nghề vững chắc, kinh nghiệm quản lý, điều hành tốt. Nhiệm vụ của Giám đốc Khối Dịch vụ Ẩm thực là quản lý về việc thực hiện chính sách, quy định và đáp ứng mục tiêu khách hàng để đảm bảo số dư lợi nhuận đối với mỗi khu vực nhà hàng trong phạm vi quản lý. Theo đó, họ sẽ phải đảm bảo mục đích tài chính, điều phối hoạt động và vận hành của toàn bộ khối Dịch vụ Ẩm thực, điều hành Khối Dịch vụ Ẩm thực phối hợp với các Khối/ Bộ phận/ Phòng ban khác.
Dù làm việc ở bất kỳ vị trí nào, những nhân sự trong lĩnh vực Nhà hàng đều dành trọn tâm huyết và đam mê cho ẩm thực – lĩnh vực mà mình đang theo đuổi. Sự tập trung nghiêm túc, nỗ lực phấn đấu của họ là điều kiện tiên quyết để đưa Nhà hàng trở thành một trong những ngành nghề hấp dẫn nhất hiện nay với mức lương cao và chế độ đãi ngộ tốt.
Liên hệ học nấu ăn chuyên nghiệp:
Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội – Cao đẳng Nấu ăn Hà Nội (công lập)
Điện thoại: 0962.523.447 (Cô Hương)
Website: www.trungcapnauan.edu.vn
Địa chỉ: Số 2, 181 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội